Bitcoin – đồng tiền của tương lai. Hẳn các bạn đâu đó đã nghe qua cái tên Bitcoin. Rồi cũng có nghe bạn bè người quen mua bán, xem giá Bitcoin vân vân. Nhưng rốt cuộc cách Bitcoin hoạt động như thế nào? Không phải ai cũng biết. Bài viết sẽ giải đáp vấn đề này.

Bắt đầu vấn đề

Trong việc buôn bán có thể chia ra 3 nhóm người: Sản xuất, tiêu thụ và trung gian. Nếu bạn muốn bán một quyển sách trên Amazon đi, thể nào cũng mất 10-20% phí. Hầu như ngành nghề nào cũng giống như vậy. Đơn vị trung gian luôn đóng vai trò quan trọng.

Để hiểu thật cặn kẽ Bitcoin, phải hiểu được lí do tại sao nó lại ra đời. Bitcoin khi được tạo ra nhằm đạt được một mục tiêu – loại bỏ những đơn vị trung gian – là ngân hàng. Nếu bạn gửi 5000 USD từ nước mình đến Anh chẳng hạn, tiền sẽ phải đi qua ngân hàng. Họ sẽ lấy phí xử lí giao dịch. Rồi khi qua đến bên Anh thì ngân hàng nước đó lại “ăn” mất một khoản phí nữa.

Không chỉ là vấn đề phí trung gian, mà còn là dữ liệu họ lưu trữ. Các ngân hàng nắm rất nhiều thông tin giao dịch của khách hàng. Rất nhiều ngân hàng đã bị đánh cắp dữ liệu trong suốt thập kỉ qua, nguy hiểm cho người dùng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn có thể đóng băng/chặn tài khoản của người dùng bất cứ lúc nào họ muốn. Ngành ngân hàng có quá nhiều quyền lực đối với khách hàng của mình, nôm na gọi là “kèo trên” với khách hàng. Và họ đã lạm dụng chúng. Chính họ là tác nhân quan trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thời điểm BTC ra đời

Bitcoin bắt đầu từ năm 2009, ngay sau cuộc khủng hoảng. Nhiều người tin rằng cuộc khủng hoảng chính là lí do, là cảm hứng để Satoshi Nakamoto tạo nên Bitcoin.

Giải pháp đưa ra là làm một hệ thống mà không bị một đơn vị duy nhất kiểm soát. Tại sao ngân hàng lại được trao quá nhiều quyền hành để kiểm soát khách hàng? Đúng không? Ngân hàng và các chính phủ kiểm soát đồng tiền. Chính vì những lí do đó, Satoshi đã tạo nên một loại tiền tệ mới.

Bitcoin là giải pháp mới. Không có một chủ thể quản lí duy nhất. Không ngân hàng, không PayPal, không trung gian, không ai đóng băng tài khoản ai cả. Lí do ra đời Bitcoin là vậy. Phần tiếp theo sẽ gợi mở cho bạn biết nguyên lí hoạt động của đồng tiền điện tử đầu tiên này.

Cách hoạt động cơ bản của Bitcoin

Nhà sáng lập Bitcoin dựa trên ba concept chính để vận hành BTC:

  • Mật mã học
  • Mạng phi tập trung
  • Quy luật cung cầu

Mật mã học

Thời Thế chiến hai mật mã được dùng rất nhiều. Nó được dùng để bảo mật các tín hiệu liên lạc. Để đọc được chúng, sẽ phải chuyển đổi lại thông tin gốc. Và để làm được như vậy, bạn phải có một khoá (key) để giải mã. Nguyên tắc của bên mật mã học như thế.
Bitcoin sử dụng mật mã học tương tự. Thay vì mã hoá các tin nhắn radio trên chiến trường, Bitcoin mã hoá dữ liệu giao dịch. Đọc đến đây bạn hiểu tại sao gọi là Cryptocurrency rồi phải không? Gọi là tiền điện tử cho dễ nắm bắt thôi. Dùng chính xác tiếng Việt phải gọi là tiền mật mã/tiền mã hoá. <- Lưu ý quan trọng để hiểu và gọi đúng tên.
Bitcoin làm được như vầy nhờ blockchain. Người sáng lập Bitcoin đã phát minh ra công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Mạng phi tập trung của Bitcoin (BTC)

Sơ đồ minh hoạ mô hình Tập trung và Phi tập trung.
Sơ đồ minh hoạ mô hình Tập trung và Phi tập trung.

Khi bạn bật trình duyệt lên và nhập vào “www.google.com”, máy tính chúng ta bắt đầu “bắt chuyện” với máy tính của Google. Rồi hai máy làm việc với nhau, hiển thị hình ảnh, các nút bấm vân vân trên trình duyệt. Nếu máy chủ của Google vì lí do gì đó bị hư, sẽ không xem được hình ảnh các thứ trên trang đó. Điều này là do dữ liệu được lưu trên một mạng tập trung (centralized network) – hiểu đơn giản là tại một chỗ thôi.

Để hiểu cách hoạt động của Bitcoin, cần hiểu mạng phi tập trung là gì. Trong hệ thống phi tập trung, có thể nói dữ liệu ở khắp mọi nơi. Nếu Google dùng mạng phi tập trung trong ví dụ trên, bạn vẫn sẽ thấy được trang web đó. Bởi vì thông tin được lưu ở rất nhiều máy khắp nơi chứ không chỉ một máy. Hay nói cách khác là trang của Google sẽ không bị offline, lúc nào cũng truy cập được.

Quy luật cung cầu

Sáng nay bạn ghé tiệm bánh mì, chỉ còn một ổ thôi. Mà lúc đó bốn người khác cũng đều muốn mua. Thường thì ổ bánh mì 10,000 VNĐ thôi. Nhưng vì có nhiều người cần mua quá nên ông thần nào đó trả 20,000 cho chủ tiệm và mua ngay ổ duy nhất còn lại.

Đây chính là mô hình căn bản của cung và cầu: Cái gì hiếm thì sẽ có giá. Càng nhiều người muốn chúng thì giá càng tăng lên. Bạn nào chơi xe chơi đồ cổ thì hiểu.

Bitcoin dùng cơ chế tương tự. Nguồn cung của Bitcoin thì là giới hạn, 21 triệu coin. Bitcoin cũng được tạo ra ở một tốc độ cố định, và tốc độ đó giảm dần theo thời gian <- Bitcoin Halving là ý này.

Lời kết

Đọc đến đây có lẽ bạn đã nắm hết ba cơ chế chính trong cách Bitcoin hoạt động. Hi vọng bài viết này giúp bạn hiểu hơn về Bitcoin. Lí do nó ra đời, cũng như cách vận hành nền tảng của BTC là gì.